(Haiphong.gov.vn) - Sáng 17/11, Đoàn Cải lương Hải Phòng tổ chức Lễ khai trương Vở diễn “Bà Chúa Mõ”, chương trình Sân khấu truyền hình Hải Phòng số tháng 12/2023.
Tham dự Lễ khai trương có Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Hoàng Mai, Đạo diễn NSND Hoàng Quỳnh Mai, Tác giả Trần Kiên Cường, cùng tập thể nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Cải lương Hải Phòng.
Đại biểu dự Lễ khai trương.
Theo “Ngọc phả chép về vị thượng đẳng thần triều Trần là Ả Lương Thiên Thụy Quỳnh Trân”, năm 1279, Thượng Hoàng Trần Thánh Tông muốn gả chồng cho con gái nhưng Công chúa Quỳnh Trân không chịu, chỉ muốn xuất gia thờ Phật. Trải qua sóng gió hoàng triều, Công chúa xin Thượng Hoàng cho đi tìm nơi lập chùa tu tập. Thượng Hoàng bằng lòng, cho phép đến thăm thú các nơi trong nước xem nơi nào có thắng tích thì dựng chùa. Khi đi qua xã Nghi Dương, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn (xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy ngày nay), thấy địa thế đất này giống như con chim đang bay, núi non, sóng nước mênh mông, phong cảnh thanh u, quả là cảnh cực lạc, nên từ năm 1284, Công chúa làm am nhỏ, ngày đêm hương đèn thờ Phật. Sau đó, Công chúa mở rộng chùa, tạc tượng, đúc chuông, khai khẩn ruộng vườn, cấp phát tiền cho nhiều người cày cấy. Từ đấy dân Nghi Dương ngày càng no đủ, trở thành một làng giàu có.
Do nhiều năm chăm nghiệp nông trang nên điền sản ngày càng nhiều, việc trông nom nô bộc cai quản khó biết đầy đủ, Công chúa Quỳnh Trân dựng một quán ở cạnh ấp bảo nô bộc rằng: “Các người nghe hiệu lệnh của ta bằng tiếng mõ để đi làm hay về nghỉ. Nếu trong ngày hễ nghe tiếng mõ ở chùa thì về ăn uống, nếu nghe tiếng mõ ở quán thì có công việc. Nô bộc vâng lệnh, hàng ngày cứ theo lệnh mà làm. Ngay cả khi nạn cướp trộm xảy ra, tiếng mõ dồn dập cũng là hiệu lệnh tập hợp khẩn cấp của dân làng”. Từ đó mọi người truyền ngôn gọi là chùa là “chùa Mõ”, “Quán Mõ”. Sau này dân sở tại lập đền thờ Thiên Thụy Công chúa cạnh chùa cũng gọi là đền Mõ. Dân trong làng và du khách thường đến đây để vãn cảnh, cầu khấn mong cho mưa thuận gió hòa, nhà nhà no đủ, làm ăn phát đạt. Khu Di tích lịch sử đền Mõ trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc cũ.
Êkip thực hiện thảo luận về kịch bản.
Phát biểu tại Lễ khai trương, đồng chí Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết: vở diễn nhằm khắc ghi công lao to lớn của công chúa Quỳnh Trân đối với mảnh đất vào con người xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy. Đồng thời tôn vinh người phụ nữ dám vượt qua tất cả để hướng tới giá trị chân thiện mỹ. Vở diễn cũng là cầu nối để lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa, con người nơi đây tới bạn bè trong và ngoài thành phố.
Vở diễn thực hiện bởi ekip Tác giả Trần Kiên Cường, chuyển thể cải lương NSƯT Ngọc Chi, Đạo diễn NSND Hoàng Quỳnh Mai, Nhạc sĩ NSND Hoàng Anh Tú, Họa sĩ Đăng Khoa, Chỉ đạo nghệ thuật Trưởng đoàn Vũ Gia Thuỳ, với sự tham gia của tập thể nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Cải lương Hải Phòng, Nhà hát Cải lương Việt Nam và một số Đoàn nghệ thuật trong và ngoài thành phố.
Êkip thực hiện tìm hiểu về đền Mõ.
Ngay sau Lễ công bố, ekip sáng tạo đã dâng hương tại đền Mõ, xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy và trải nghiệm không gian văn hóa tại đây nhằm tạo cảm hứng cho dàn dựng, tập luyện vở diễn.
Hồng Nhung